Về định hướng chiến lược đào tạo giáo viên

Lượt xem:

Đọc bài viết

Về định hướng chiến lược đào tạo giáo viên: Cử tri kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có chiến lược đào tạo, hoạch định rõ lộ trình, tính toán cân đối nhu cầu đào tạo sinh viên ngành sư phạm và sử dụng giáo viên để có chính sách quan tâm ưu tiên đào tạo đội ngũ giáo viên có số lượng hợp lý, chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện giáo dục – đào tạo; hạn chế tình trạng giáo viên vừa thừa vừa thiếu như hiện nay, ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy và lãng phí chi phí đào tạo nguồn nhân lực

Thực trạng hoạt động của hệ thống cơ sở đào tạo giáo viên cho thấy việc đào tạo sư phạm vẫn theo hướng dựa vào thế mạnh của nhà trường, dự báo về cung và cầu chưa được thực hiện triệt để; việc thanh tra, kiểm tra công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên, nhân viên của các cấp quản lý còn hạn chế dẫn đến tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ tại một số địa phương.

Thời gian qua, Bộ Giáo dục Đào tạo đã chủ động có những biện pháp để hạn chế tăng quy mô đào tạo sư phạm như: Cảnh báo về trình trạng thừa giáo viên và đề nghị hạn chế tuyển sinh vào sư phạm; yêu cầu các cơ sở đào tạo phải xác định chỉ tiêu tuyển mới sư phạm hệ chính quy trong tổng chỉ tiêu tuyển mới và phải được sự chấp thuận của cơ quan chủ quản; đồng thời yêu cầu các trường sư phạm hạn chế đào tạo mới, tập trung ưu tiên đào tạo lại và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên hiện tại để đáp ứng đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

Từ năm 2013, Bộ đã yêu cầu các trường đào tạo sư phạm giảm chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm khoảng 10%/năm và đã tạm dừng xem xét hồ sơ đăng ký mở ngành đào tạo mới thuộc khối ngành khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên ở các trình độ cao đẳng, đại học[1].

Từ năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện giao chỉ tiêu đào tạo sư phạm theo nhu cầu của các địa phương[2], quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với cả hai phương thức xét tuyển theo kết quả học tập lớp 12 hoặc theo kết quả thi trung học phổ thông quốc gia đối với các thí sinh dự tuyển vào các ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học[3]; ban hành quy định về đào tạo cấp bằng tốt nghiệp thứ 2 trình độ đại học, trình độ cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên để làm cơ sở cho việc điều chuyển giáo viên, giảm tỷ lệ thừa thiếu cục bộ hiện tại.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã tập trung tăng cường nghiên cứu, dự báo; xây dựng cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học nói chung, trong đó có các cơ sở đào tạo giáo viên, làm căn cứ cho việc xây dựng kế hoạch đào tạo giáo viên trong các năm tiếp theo; đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng đối với các trường sư phạm, công bố công khai kết quả đánh giá, kiểm tra điều kiện đảm bảo chất lượng cùng với những thông tin liên quan đến quá trình đào tạo để người học và xã hội giám sát.

Bộ Giáo dục Đào tạo đang rà soát hệ thống các trường đào tạo giáo viên trên cơ sở sử dụng chuẩn trường sư phạm để đánh giá và sắp xếp lại mạng lưới các trường sư phạm một cách khoa học, công bằng, khách quan và hoạt động hiệu quả hơn; hoàn thiện Đề án Sắp xếp, tổ chức lại các trường sư phạm và hình thành một số trường sư phạm trọng điểm giai đoạn 2019-2025, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ quý II/2019.

Bộ Giáo dục và Đào tạo trân trọng báo cáo./.